Theo đó, ngoài Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng nhiều lãnh đạo các Vụ/Cục/ Văn phòng của Bộ Y tế cũng đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều lãnh đạo các Vụ, Cục tiêm vắc xin phòng Covid-19 sáng 6/5 (Ảnh: Trần Minh).
Chia sẻ trong lúc theo dõi sau tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, sức khỏe của bản thân hiện hoàn toàn bình thường.
Theo Bộ trưởng quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới. Cụ thể, các cơ sở tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe. Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.
Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ gặp phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin của Việt Nam thấp so với các nước trên thế giới (Ảnh: Trần Minh).
"Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng", Bộ trưởng Long nói.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm cho hơn 675.000 người. Theo ghi nhận đến nay có 16% gặp phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ…, triệu chứng này hết sau 24h. Theo Bộ trưởng, tỷ lệ này thấp so với các nước trên thế giới. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam là an toàn.