Căn bệnh hầu hết phụ nữ mang thai đều mắc, cần đi khám ở tháng thứ 3 thai kỳ
Theo số liệu thống kê, có đến gần 70% phụ nữ mang thai có biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Vào khoảng tháng thứ ba của thai kỳ, thai phụ sẽ thấy xuất hiện những sợi gân xanh nổi dưới da. Càng về cuối thai kỳ, các tĩnh mạch bị sưng giãn và sậm màu sẽ xuất hiện nhiều hơn và có thể kéo theo các triệu chứng phù chân, nặng chân.
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng phổ biến xảy ra với các bà mẹ trong thai kỳ (Ảnh minh họa)
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng tương đối phổ biến ở nhiều bà bầu.
Đó là hiện tượng những mạch máu sưng gồ lên, chằng chịt và ngoằn nghèo như những đường gân xanh, tím, xuất hiện trên các vùng da như bắp chân, âm hộ hoặc ở những nơi khác. Kèm theo đó là cảm giác nặng nề và đau nhức ở chân cũng như ở vùng da xung quanh, khiến các mẹ bầu khó chịu, thậm chí mất ngủ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Mạnh rất ít mẹ bầu để ý đến hiện tượng này, thậm chí biết nhưng chủ quan. Hoặc có những người còn không biết mình mắc bệnh.
“Hầu hết chị em phụ nữ khi mang thai chỉ quan tâm đến giới tính của thai nhi là trai hay gái, con có đủ cân nặng hay không, mẹ bị thừa cân hay thiếu cân khi mang thai,… mà không để ý tới hiện tượng bị suy giãn tĩnh mạch. Thậm chí khi thấy đau nhức chân, nặng nề, khó chịu khi sinh hoạt, đi lại,… cũng không biết mình mắc bệnh”, bác sĩ Mạnh nói.
Lý giải nguyên nhân bị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai, bác sĩ Mạnh cho biết, sự thay đổi hormone và cân nặng của thai nhi khiến mẹ bầu dễ bị suy giãn tĩnh mạch hơn.
Cụ thể, nồng độ hormone progesterone ở phụ nữ mang thai cao hơn, làm suy giảm chức năng các van tĩnh mạch và giãn thành mạch máu.
Khi mang thai, lưu lượng máu trong cơ thể thay đổi để nuôi dưỡng em bé, sự thay đổi này tạo áp lực với hệ tĩnh mạch và tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Áp lực từ cân nặng thai nhi, đặc biệt khi thai nhi lớn lên các mạch máu ở xương chậu có thể làm thay đổi lưu lượng máu đến vùng xương chậu và chân của bà bầu.
Nếu trong gia đình có thành viên mắc bệnh lý giãn tĩnh mạch, nguy cơ mẹ bầu bị bệnh này sẽ cao hơn. Ngoài ra, nếu giãn tĩnh mạch chân xảy ra trước khi mang thai, bệnh sẽ có xu hướng trở nên nặng hơn khi độ tuổi tăng lên và khi mang thai.
Bên cạnh đó, mẹ bầu mang thai đa thai, thừa cân béo phì, hoặc làm việc phải đứng nhiều đều là những nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch ở chân.
“Bất cứ thai phụ nào cũng có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch và căn bệnh này sẽ gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của thai phụ.
Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, thai phụ bị suy giãn tĩnh mạch có thể gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi”, vị bác sĩ nhấn mạnh.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam (Ảnh: BSCC)
Do đó, bác sĩ Mạnh khuyến cáo, từ tháng thứ 3 các chị em mang thai nên đi thăm khám, siêu âm để đánh giá hệ tĩnh mạch chi dưới. Bởi vì đây là gia đoạn thai nhi phát triển rất mạnh mẽ, to rất nhanh trong buồng tử cung do đó tình trạng tĩnh mạch sẽ càng ngày càng dãn và nặng hơn.
“Khi chị em mang thai có ý thức đi khám, ngoài đánh giá suy giãn tĩnh mạch bằng siêu âm thì bác sĩ có thể tư vấn các bài tập, chế độ ăn uống tốt cho vùng chân cũng như có các biện pháp phù hợp khi có dấu hiệu mắc bệnh để quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày không bị nặng nề”, bác sĩ Mạnh nhắn nhủ.
-->> Mất chân vì chủ quan triệu chứng tưởng "bệnh vặt"Thúy Ngà