Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sau ung thư gan. Năm 2020, có tới 26.262 người Việt mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong cao là do người bệnh phát hiện và điều trị muộn. Trong khi đối với ung thư, việc phát hiện sớm sẽ giúp điều trị đơn giản hơn.
Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư phổi thường không có triệu chứng dễ nhận biết.
Dạng ung thư phổi phổ biến là khối u hình thành trên đường dẫn khí vào phổi, từ đó có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, ho dai dẳng kèm theo máu hoặc đờm. Ngoài ra, một số các biểu hiện ở tay và vai cũng là dấu hiệu sớm của căn bệnh này.
Dấu hiệu ung thư phổi ở tay và vai
Hình ảnh mô tả ung thư phổi. Ảnh: Sưu tầm
Nếu một khối u nằm ở đỉnh phổi, nó có thể tạo ra áp lực lên các dây thần kinh và mạch máu đến cánh tay, từ đó có thể xuất hiện các biểu hiện như đau hoặc yếu các chi. Kèm với đó là cảm giác kim châm ở tay hoặc tê tay kéo dài.
Một dấu hiệu khác xảy ra trong giai đoạn đầu của ung thư phổi là hiện tượng ngón tay dùi trống (móng tay phát triển lớn hơn bình thường và có hình dáng như một chiếc thìa úp ngược), đầu ngón tay sưng tấy do thiếu oxy.
Bên cạnh việc gây đau hoặc yếu ở cánh tay, vai và đôi khi là ngực, trong một số trường hợp, khối u có thể chèn ép lên các mạch máu dẫn máu lên vùng đầu và gây sưng tấy quanh mặt.
Các dấu hiệu khác của ung thư phổi
Các triệu chứng thường gặp của ung thư phổi là:
- Ho kéo dài không khỏi sau 2 hoặc 3 tuần
- Liên tục mắc viêm phổi
- Ho ra máu
- Đau tức ngực khi thở hoặc ho
- Khó thở kéo dài
- Luôn mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Chán ăn hoặc sụt cân
Các khối u thường tiết ra một lượng lớn hormone và gây ra các biểu hiện trên các bộ phận khác của cơ thể. Giống như những bệnh ung thư khác, ung thư phổi có thể khiến bạn cảm thấy như kiệt sức và sụt nhiều cân.
Thông thường, ung thư phổi có thể xuất hiện cùng với nhiễm trùng phổi. Vì vậy, nếu đã bị nhiễm trùng phổi lâu ngày mà không đáp ứng với thuốc kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị khác, hãy tới gặp bác sĩ để được khám sàng lọc căn bệnh này.
Chẩn đoán và điều trị ung thư phổi
Chụp X-quang phổi là bước kiểm tra đầu tiên trong chẩn đoán ung thư phổi. Ảnh: Getty Images
Nếu bạn có dấu hiệu của ung thư phổi, các bác sĩ sẽ cho bạn chụp X-quang phổi. Đây là kiểm tra đầu tiên để xác định các cấu trúc bất thường trong phổi nhưng nó không thể khẳng định bệnh.
Sau đó, bác sĩ sẽ chụp cắt lớp vi tính để xem hình ảnh ba chiều của phổi, đồng thời làm các sinh thiết hạch bạch huyết để xác định bạn có bị ung thư phổi hay không và kiểm tra xem tế bào ung thư đã di căn tới các bộ phận khác ngoài phổi hay chưa.
Sau khi có các kết quả kiểm tra trên, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị. Do đó, việc phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội chữa trị hơn và có khả năng chữa khỏi được căn bệnh này.
Ở các giai đoạn sau, rất khó để có thể chữa khỏi ung thư phổi. Tuy nhiên, vẫn có các biện pháp điều trị giúp làm chậm sự phát triển và giảm một số triệu chứng đau đớn của bệnh.
Ung thư phổi là một dạng ung thư có diễn tiến nhanh hơn so với các loại ung thư khác. Các tế bào ung thư sẽ đi theo đường máu hoặc các hạch bạch huyết tới các mô của phổi và các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư phổi hay gặp ở những người trên 60 tuổi, tuy nhiên bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Những đối tượng dễ mắc ung thư phổi là những người hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động; những người thường xuyên tiếp xúc với chất bức xạ, các hợp chất như amiăng, crom và niken.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, việc chúng ta cần làm là có một lối sống khoa học, tránh các yếu tố nguy cơ. Nếu thấy có các dấu hiệu của bệnh, cần tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.