Những chiếc máy ảnh, máy quay cổ được ông Tầm phục chế một số phụ kiện bị hỏng. Ảnh: NVCC
Cái nghề nó vận vào người
Một buổi sáng tháng 9, người đàn ông 64 tuổi ngồi trên chiếc ghế gỗ trước nhà với ngổn ngang dụng cụ lớn nhỏ, cặm cụi ráp nốt chiếc máy quay phim để kịp giao cho khách. Vừa làm vừa hồi tưởng: “Không thể nhớ hết nhưng số máy quay tôi đã “độ”, chắc không dưới 2.000 chiếc”.
Ông Nguyễn Tầm (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) làm quen với những chiếc máy quay khá muộn, khoảng năm 30 tuổi khi bắt đầu đi phụ quay phim cho một người em làm ở đài truyền hình. Tiếp xúc nhiều với những khung hình, những loại máy quay khác nhau, ông “phải lòng” nó từ lúc nào không hay. Có thời gian rảnh ở nhà, ông lấy máy ra tìm hiểu, ngắm nghía đủ bề.
Thời gian đầu, ông Tầm sở hữu một chiếc máy quay du lịch, không có micro, tay cầm, ngoại hình thuộc hàng “nhỏ nhắn”. Mỗi lần phải đi quay chương trình lớn, khách hàng thường tỏ ra nghi ngại, điều đó khiến ông tác nghiệp không mấy tự tin. Qua nhiều lần như vậy, ông nghĩ ra cách là mua những chiếc máy quay to không còn sử dụng, đem về nhà, mổ xẻ và độ lại vỏ cho chiếc máy nhỏ của mình.
"Tôi tân trang “dàn áo” từ khung sườn, tay cầm, micro, chế thêm cái đèn. Mất cả tháng trời, tháo ra rồi làm lại mới được như ý", ông cười, nhớ lại.
“Ban đầu nghĩ làm chơi, phục vụ cho bản thân, tôi không ngờ cái nghề nó vận vào người mấy chục năm. Năm 2002, tôi bắt đầu sắm máy tiện, cưa và phụ kiện để chính thức khởi nghiệp”, ông Tầm kể về cột mốc “vào nghề” của mình.
Những chiếc máy quay phim được bạn bè tặng lại được ông nâng niu, sưu tầm trong suốt gần 20 năm làm nghề.
Đơn hàng đầu tiên ông nhận cách đây 16 năm, đó là con máy Panasonic NV-GS400. Một người bạn trong nghề mua chiếc máy đó với giá 900 USD, nhưng không có micro hay tay cầm, muốn tút tát ngoại hình cho chuyên nghiệp nên tìm đến ông.
Nhận yêu cầu từ bạn, ông Tầm tự tay cưa, hàn và độ bộ áo mới cho chiếc máy. “Tôi làm mất ba ngày, nhận 800.000 đồng tiền công. Sau này anh bạn đó đi quay ở Quy Nhơn, người qua đường thấy đẹp quá rồi mua lại luôn", ông vui ra mặt, kể lại.
Tiếng lành đồn xa, anh em trong nghề quay phim tìm đến tay nghề của ông ngày càng nhiều, chủ yếu là yêu thích những bộ vỏ máy ông Tầm độ và chữa cháy khi máy quay gặp sự cố.
Người làm vì đam mê
Để độ một máy quay phim nhỏ trở thành máy quay chuyên nghiệp hơn, theo ông Tầm không khó. Nhưng vì mọi thứ đều làm thủ công một mình nên đòi hỏi ông phải tỉ mỉ từng chút. Bên cạnh đó, quan trọng việc người thợ lâu năm am hiểu tường tận về máy móc, tính năng từng dòng máy. Sau cùng, thành phẩm là chiếc máy hoạt động ổn định, đúng yêu cầu của người quay.
Nhận yêu cầu từ khách, nếu có mẫu sẵn thì đơn giản hơn chút ít, còn không phải mất thêm thời gian nghĩ ý tưởng. Một loạt công đoạn tiếp theo gồm: đo đạc kích thước máy để chọn đế, đo khung và tay cầm, cắt phần gắn pin, thiết kế bara (loa che ống kính) cho đầu máy, độ tay nắm, gắn đèn, cụm kẹp của micro...
Ông Nguyễn Tầm cách đây gần 20 năm, thời mới bén duyên với nghề. Ảnh: NVCC
Nói về những công đoạn khó nhằn nhất, người đàn ông làm nghề độc lạ chia sẻ: “Ý tưởng là phần phải tốn nhiều chất xám nhất. Đồng thời, những phụ kiện được lắp đặt thủ công và điều chỉnh bằng cảm quan chứ không có bố cục tiêu chuẩn nào. Vậy nên, mình phải canh sao cho thật chính xác, hở một chút thì vỏ máy cũng sẽ không khớp”.
Cũng bởi vì thế mà một tháng ông chỉ có thể làm được khoảng 4 chiếc máy quay phim. Ông Tầm thổ lộ: “Khắp thành phố này mỗi tôi làm nghề này nên việc làm không hết. Điện thoại reo liên tục nhưng tôi phải tắt máy để tập trung chế tác. Tôi nhận ít nhưng làm cho chất lượng, anh em còn tin tưởng. Đây không chỉ là kiếm tiền, mà còn là đam mê của tôi”.
Từ ngày theo nghề độ máy quay phim, ngồi nhà cũng là “công xưởng” của ông đã trở thành nơi giao lưu, trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm với những tay máy, những người có đam mê thật sự.
Anh Đạt (ngụ quận 3) là một quay phim tự do, cho biết: “Nghề độ máy của ông Tầm thực ra rất khó, có khi chỉ tính riêng chi phí tìm mua phụ kiện đã tương đương với việc mua mới một chiếc máy. Chỉ có ông ấy làm được với chi phí vừa phải mà vẫn đủ tính năng. Đôi khi chỉ nhỏ như một con ốc vít, hay đến cái đèn, tay nắm quay... ông đều làm".
Không riêng Đạt, anh Phạm Ngọc Trường - người chuyên sưu tập máy quay, máy ảnh cổ, cũng là bạn lâu năm của ông Tầm, mỗi lần tậu một con máy cổ về chẳng may hư hỏng một phụ kiện bên ngoài, Trường lại chạy tới ông cầu cứu.
10 năm trở lại đây, thiết bị máy quay ngày càng phổ biến với đa dạng chủng loại, bày bán khắp nơi, giá cả cũng dễ tiếp cận nên có chăng nghề của ông Tầm cũng dần bị lãng quên. Dù thế, mỗi sáng ông vẫn lôi đồ nghề tiếp tục nghiên cứu, mày mò chế tác.
"Đôi khi không cần phải bán, chỉ để ngắm thôi. Hoàn thành máy nào tôi cũng chụp hình khoe với bạn bè, cảm giác nó sướng lắm. Có tháng không nhận khách nào nhưng tôi vẫn vui, vì chủ yếu làm để thỏa đam mê của mình thôi", chủ tiệm cười hiền rồi tiếp tục công việc như ông vẫn làm suốt hai thập niên qua.