Sau khi ngăn lực lượng Nga giành thắng lợi chớp nhoáng trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giờ đây cho thấy ông không muốn đàm phán với Moskva, khi cuộc xung đột có vẻ sẽ tiếp tục kéo dài.
Sinh mệnh chính trị của Tổng thống Zelensky giờ đây phụ thuộc vào ván cược trên chiến trường và sau 5 tháng xung đột, với những mục tiêu chiến lược rõ ràng, nhưng thách thức cũng rất lớn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters hồi tháng ba. Ảnh: Reuters.
Giành lại lãnh thổ
Trong vài tuần đầu tiên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, ông Zelensky thể hiện rõ thiện chí sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột. Nhưng sau gần 5 tháng giao tranh, cục diện chiến trường hiện nay đã phát triển thành một cuộc chiến tiêu hao với thiệt hại lớn về nhân lực lẫn khí tài của cả hai bên.
"Ông ấy tin rằng cuộc chiến phải tiếp diễn, rằng ông ấy có vũ khí của riêng mình và người Nga cũng có những điểm yếu của họ", Elie Tenenbaum, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nhận xét. "Thời gian đầu, ông ấy sẵn sàng nhượng bộ trước sức mạnh của Nga, nhưng bây giờ, Tổng thống Ukraine đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến".
"Mục tiêu rất rõ ràng", William Taylor, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine, hiện công tác tại Viện Hòa bình Mỹ, đánh giá. "Ông ấy chặn đà tiến của họ, mở chiến dịch phản công và đưa mọi thứ trở về với tình trạng trước ngày 24/2", thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự.
Mục tiêu này được thể hiện rõ hơn với bình luận của Ngoại trưởng Ukraine Oleksiy Reznikov trên truyền thông Anh rằng Ukraine vẫn có khả năng tập hợp đội quân "một triệu người" để phản công giành lại lãnh thổ, dù tuyên bố này vấp phải nhiều hoài nghi của giới quan sát.
"Quyết định phản công đã được đưa ra", nhà phân tích chính trị Ukraine Anatoliy Oktysyuk nhận định. "Chiến dịch giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã bắt đầu".
Tiêu hao sức mạnh đối phương
Các quân nhân Ukraine điều khiển lựu pháo M777 do Mỹ viện trợ tại vùng Kharkov phía đông bắc hôm 13/7. Ảnh: AP.
Quân đội Ukraine đã thể hiện rõ ý chí rằng họ sẽ chỉ rút lui khi không còn lựa chọn nào khác, giống như những gì đã diễn ra tại thành phố Severodonetsk và Lysychansk, miền đông đất nước, nơi họ đã kháng cự quyết liệt trước đà tiến công của lực lượng Nga.
"Người Ukraine đã khiến đối phương phải chịu tổn thất khá lớn", một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ nói.
Theo Ivan Klyszcz, nhà nghiên cứu tại Đại học Tartu, Estonia, cả Nga và Ukraine đều tin rằng thời gian đứng về phía họ. Nhưng trong ván cược này, chắc chắn một bên phạm sai lầm và đó là bên "không thể đáp ứng những yêu cầu mà cuộc xung đột đặt ra", ông cho hay.
Đôi bên cũng hiểu rõ rằng hậu cần là yếu tố then chốt và họ đang cố gắng làm tê liệt nguồn tiếp tế của đối phương, thể hiện qua những cuộc tập kích bằng tên lửa, pháo phản lực nhằm vào cơ sở hạ tầng chiến lược, như kho đạn, vũ khí của nhau.
Bảo vệ hình ảnh
Tổng thống Zelensky, một cựu diễn viên hài, là gương mặt gây nhiều tranh cãi ở Ukraine trước khi xung đột bùng phát.
"Nhiều biện pháp cải cách không được thực hiện và rất nhiều thuyết âm mưu chính trị nảy sinh lúc bấy giờ", Angela Stent, chuyên gia về quan hệ Nga - phương Tây tại Viện Brookings, cho hay. Nhưng giờ đây, ông Zelensky đã trở thành một "lãnh đạo thời chiến có tiếng nói nhờ vận dụng hiệu quả tất cả những kỹ năng thu nhận được từ khi còn là nghệ sĩ để kết nối tốt hơn" với người dân cũng như thế giới.
Giới phân tích đánh giá việc duy trì hình ảnh này là rất quan trọng đối với vị thế tương lai của Tổng thống Zelensky.
"Tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc vị thế của ông ấy đang bị suy yếu", chuyên gia Taylor từ Viện Hòa bình Mỹ cho biết. "Ông ấy đang làm rất tốt công việc của mình. Nhìn chung, sức mạnh của ông ấy chính là sợi dây liên kết với người dân Ukraine".
Klyszcz đồng tình, thêm rằng ông cũng không nhìn thấy Tổng thống Ukraine có biểu hiện "suy sụp về tinh thần, cảm xúc hay thể chất trong suốt những tháng qua". Thay vào đó, ông Zelensky đang tiếp tục xây dựng hình ảnh một "lãnh đạo quyết đoán với quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc xung đột".
Duy trì đoàn kết
Bất chấp thương vong lớn về người, tình trạng thiếu thốn và nỗi sợ hãi trong dân chúng, tinh thần đoàn kết của Ukraine đang được giữ vững và hiện tại, không có nhiều tiếng nói ủng hộ đàm phán với Nga trong xã hội Ukraine.
"Điều đó không có nghĩa là đàm phán sẽ không diễn ra, nhưng phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của họ đến đâu", Taylor nói. "Đến nay, xung đột vẫn chưa thể làm người dân Ukraine lung lay ý chí".
Nếu rạn nứt xuất hiện trên mặt trận thống nhất của Ukraine, rất có thể đó sẽ là do bất đồng giữa phe ủng hộ và phản đối nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.
Lúc này, mọi lời kêu gọi đàm phán "chỉ có thể được thúc đẩy bởi các lực lượng thân Nga ở Ukraine", những người "bên lề" chính trường Ukraine, nhà phân tích Oktysyuk nói.
Nhưng mọi xu hướng đều có thể thay đổi trước những bước ngoặt của cuộc xung đột. "Cái giá phải trả cho cuộc chiến ngày càng rõ ràng hơn đối với người dân Ukraine", Klyszcz cho biết, thêm rằng bất kỳ thất bại lớn trên chiến trường hay sai lầm trong chiến đấu nào cũng đều có thể làm đảo chiều cuộc tranh luận về thỏa hiệp với Nga.
Duy trì ủng hộ của phương Tây
Xung đột Nga - Ukraine đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Kiev và các chính phủ phương Tây. Ukraine thậm chí còn được Liên minh châu Âu (EU) công nhận tư cách ứng viên.
Thông điệp của Tổng thống Zelensky tới các đồng minh phương Tây "là ông ấy đang chiến đấu cho tất cả", Taylor nói. "Ông ấy đã lặp đi lặp lại điều này và tôi chắc chắn rằng ông ấy tin vào nó".
Nhưng các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Ukraine cũng biết rõ sự ủng hộ của phương Tây chỉ có thể tiếp tục được duy trì nếu quân đội của ông kháng cự được trước đà tiến của lực lượng Nga trên chiến trường.
Cục diện chiến trường Ukraine sau gần 5 tháng giao tranh. Đồ họa: Washington Post.
"Nếu Ukraine có thể tiến hành một cuộc phản công thành công với vũ khí phương Tây viện trợ, nhiều người sẽ cảm thấy được khích lệ bởi viễn cảnh Ukraine giành lại một số vùng lãnh thổ", Michael Kofman, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Hải quân, viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
"Nhưng nếu Ukraine không làm được điều đó, nhiều người phương Tây sẽ cảm thấy thất vọng, cho rằng ngay cả với nguồn cung vũ khí đáng kể từ họ, lựa chọn tốt nhất của Ukraine là tìm cách giành lại lãnh thổ trên bàn đàm phán, thay vì tiếp tục ván cược trên chiến trường", Kofman nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo AFP)